Lịch sử Nhà_Đường

Khai quốc

Họ Lý thuộc về tầng lớp quý tộc quân sự, cát cứ phía tây bắc trong suốt thời gian cai trị của các hoàng đế nhà Tùy.[13] Mẹ của Lý Uyên mang họ Độc Cô, có một người chị là hoàng hậu của Bắc Chu Hiếu Minh Đế Vũ Văn Dục, đó là Minh Kính hoàng hậu và em gái Văn Hiến hoàng hậu của Tùy Văn Đế là dì ruột của Lý Uyên, nhờ vậy mà họ Lý được trọng dụng,[8]:255 Tổ phụ của Lý Uyên là Lý Hổ đã theo Vũ Văn Thái-người sáng lập ra triều Bắc Chu- tiến vào Quan Trung, thời Tây Ngụy từng được ban cho họ Đại Dã, làm quan đến chức thái úy, cùng với Lý Bật là một trong "Bát trụ quốc" của nhà Tây Ngụy. Sau khi Bắc Chu Hiếu Mẫn Đế lên kế vị, lúc này Lý Hổ đã mất nên được truy phong là "Đường quốc công". Cha của Lý Uyên, tức Lý Bỉnh, được tập phong tước hiệu Đường quốc công. Sau khi Lý Bỉnh mất, Lý Uyên khi ấy chưa được mười tuổi đã kế thừa tước Đường quốc công.

Trong những năm Đại Nghiệp thời Tùy Dạng Đế, do chính sách tàn bạo của nhà vua cũng như ba lần đánh Cao Câu Ly thất bại dẫn đến mâu thuẫn giai cấp xảy ra, dân chúng ở các địa phương đồng loạt khởi nghĩa. Lý Uyên có công trong việc dẹp vài cuộc nổi loạn mà được Dạng Đế trọng dụng. Năm 616, được phái đi làm lưu thủThái Nguyên để trấn áp quân nổi dậy.[9]:37 Ban đầu ông đánh thắng một số trận, song quân khởi nghĩa ngày càng mạnh, mỗi lúc một đông thêm nên khiến ông bối rối. Lý Uyên thấy thiên hạ đại loạn, nhà Tùy không thể kéo dài sự thống trị được lâu nữa nên trong thâm tâm đã có dự tính hành động.[14] Tuy nhiên ông vẫn do dự không quyết, phải có sự thúc đẩy của mấy người con trai có tài (tiêu biểu là Lý Thế Dân), ông mới hạ quyết tâm. Năm 617, Lý Uyên chính thức khởi binh tạo phản tại Tấn Dương (nay thuộc Thái Nguyên, Sơn Tây).[chú thích 2]

Đường Cao Tổ Lý Uyên

Tháng 11 năm 617, Lý Uyên cùng người con thứ là Lý Thế Dân phá quân đội của Khuất Đột, đánh lấy Tùy kinh Đại Hưng, lập Dương Hựu làm vua, tức Tùy Cung Đế, cải niên hiệu là Nghĩa Ninh, tôn Dạng Đế là Thái thượng hoàng. Lý Uyên xưng là Đại thừa tướng, hiệu là Đường Vương.[9]:37

Lý Uyên chiếm kinh đô nhà Tùy khiến các thế lực cát cứ kinh động. Lúc đó Dạng Đế tàn bạo, quân sĩ vì căm ghét, nên đã gây ra Giang Đô chính biến, ép Tùy Dạng Đế phải chết. Nhà Tùy diệt vong.

Tháng 3 năm 618, hay tin Tùy Dạng Đế bị hại, Lý Uyên tại thành Đại Hưng (大興城) đã tuyên bố thành lập triều đại nhà Đường. Tháng 5, ép Cung Đế nhường ngôi, cải niên hiệu là Vũ Đức (武德). Năm đó, đổi tên thành Đại Hưng thành kinh đô Trường An, dẹp hết các quý tộc tàn dư thời nhà Tùy, lại đem quân đánh diệt các thế lực cát cứ, dần dần thống nhất Trung nguyên, thiên hạ mau chóng quay lại cục diện thái bình. Cũng năm này, vua phong cho con trưởng Lý Kiến Thành làm Thái tử, con thứ Lý Thế Dân làm Tần vương, con thứ 4 là Lý Nguyên Cát làm Tề vương, còn con thứ ba là Lý Nguyên Bá (李元霸) chết yểu.[9]:37

Năm 618, con thứ của ông là Lý Thế Dân đem quân bình định tây bắc, diệt Tiết Cử, Tiết Nhân Cảo. Sau đó, lại khiến La Nghệ ở U Châu (幽州) phải đầu hàng. Ngay cả khởi nghĩa của Lý MậtLạc Dương cũng thất bại phải hàng nhà Đường, thực lực quân đội nhà Đường nhanh chóng tăng trưởng, dần dần diệt hết các quần hùng ở Trung Nguyên, thống nhất thiên hạ.

Năm 619, sứ nhà Đường là An Hưng Quý (安興貴) và An Tu Nhân (安修仁) bắt tróc lấy Hà Tây tẩu lang của Lý Quỹ. Năm 620, Lý Thế Dân đánh vào vùng Sơn Tây của Lưu Vũ Chu, Tống Kim Cương (宋金剛). Năm 621, Lý Thế Dân đánh chiếm Hà Nam của Vương Thế Sung. Vương Thế Sung cùng thế lực của Đậu Kiến ĐứcHà Bắc liên minh kháng Đường. Năm 622, Đậu Kiến Đức bị bắt, Vương Thế Sung đầu hàng. Sau đó bộ hạ Đậu Kiến Đức là Lưu Hắc Thát lại định khởi quân phản Đường, Lý Thế Dân và Lý Kiến Thành trước sau tiến đánh, Lý Kiến Thành bắt được Lưu Hắc Thát, bình định Hà Bắc năm 623. Cũng năm đó, Phụ Công Thạch cùng Đỗ Phục Uy hợp bộ hạ ở Đan Dương phản Đường, đến năm 624 thì bị quân Đường giết, Giang HoàiGiang Nam được bình định. Năm 621, tướng Lý Tĩnh đánh Giang Lăng, Tiêu Tiển đầu hàng. Năm sau, Phùng ÁngLĩnh Nam hàng phục, Lâm Sĩ Hoằng ở Kiền Châu (虔州) cũng chết, nhà Đường chiếm làm đất.

Trinh Quán chi trị

Bài chi tiết: Đường Thái Tông
Đường Thái Tông Lý Thế Dân

Sau khi dẹp xong quần hùng, Tần vương Lý Thế Dân và Thái tử Lý Kiến Thành bắt đầu có xung đột. Kiến Thành đã hai lần mưu sát Thế Dân nhưng bất thành. Đến lần thứ 3 thì việc bị lộ, Lý Thế Dân lần này quyết định ra tay trước. Ngày mùng 4 tháng 6 năm 626, tức năm Vũ Đức thứ 9, Lý Thế Dân gây ra Sự biến Huyền Vũ môn giết chết Lý Kiến Thành và Lý Nguyên Cát. Đường Cao Tổ biết chuyện, đau buồn nhưng ông không xử phạt Lý Thế Dân. Sau đó không lâu, Đường Cao Tổ thoái vị về làm Thái thượng hoàng, nhường ngôi lại cho Lý Thế Dân, tức là Đường Thái Tông.[15]:41

Khi ông mới lên ngôi năm 626, Đông Đột Quyết đem quân đánh đến gần thành Trường An, cách thành 40 dặm ở về phía Kính Dương. Kinh thành chấn động. Lúc ấy, binh ở Trường An chỉ có vài vạn không thể đánh giao tranh được, vì vậy Thái Tông phải nghĩ ra kế, bèn đích thân suất lĩnh quân cùng Cao Sĩ Liêm (高士廉) và Phòng Huyền Linh gồm 6 kị mã đứng cách Vị Thủy đối thoại với Hiệt Lợi khả hãn (頡利可汗), Thái Tông trách Hiệt Lợi bội ước. Trong sách Đường ngữ lâm có nói rằng Thái Tông đưa phẩm vật trong kho phủ cho Đột Quyết để chúng rút quân. Sau đó, nhà Đường và Đột Quyết làm Lễ thề Vị Thủy (渭水之盟, Vị Thủy chi minh), Đột Quyết rút lui, và nhà Đường về sau đặt quan hệ với 2 khả hãn Hiệt Lợi và Đột Lợi, từ đó Đường Thái Tông chỉ còn chuyên tâm lo trị nước.

Năm 627, nội bộ của Đông Đột Quyết xung đột và tan rã. Những bộ lạc phản đối Hiệt Lợi khả hãn như Tiết Diên Đà, Hồi Hột, Bạt Dã Cổ (拔也古), Đồng La (同羅) nổi dậy tiêu diệt triều đình của Hiệt Lợi khả hãn, đưa thủ lĩnh Tiết Diên Đà lên làm Khả hãn. Hai khả hãn Đột Lợi và Hiệt Lợi chạy sang liên lạc với nhà Đường. Đúng lúc đó, ở Đông Đột Quyết xảy ra bão tuyết dẫn đến mất hết lương thực và thức ăn gia súc, nhiều người trong bộ lạc chết vì đói rét, Đông Đột Quyết dần dần suy yếu. Ngày 26 tháng 4 năm 628, tức năm Trinh Quán thứ 2, một người địa phương là Lương Lạc Nhân (梁洛仁) đã giết thủ lĩnh của Hạ Châu (夏州) là Lương Sư Đô, chấm hết các thế lực cát cứ. Năm 630, Lý Tĩnh suất quân Đường sang diệt Đông Đột Quyết.

Đường Thái Tông lo việc trị nước, trọng dụng kẻ can gián mình, khiến thời đại Đường triều đi lên sự thịnh thế, và ông trở thành bậc đế vương hiếm có một thời[16]. Trong việc nội chính, nhà vua thi hành chế độ quân điền, lại thi hành tô dung điều chế để lo về việc chia ruộng đất và đánh thuế.[17]:425 Về mặt đối ngoại, hoàng đế gả công chúa cho khả hãn Đột Quyết để giành lấy quyền cai quản đất cao nguyên Mông Cổ. Oai danh của Thái Tông khiến các dân tộc vùng tây bắc tôn kính, gọi ông là Thiên Khả Hãn (天可汗). Năm 641, tức năm Trinh Quán thứ 15, Thái Tông gả Văn Thành công chúa cho Tán phổ Thổ PhồnTùng Tán Cán Bố, ổn định việc quan hệ ngoại giao ở phía tây.[18]:75

Về quan chế, Đường Thái Tông noi theo chế độ tể tướng đời Tần Hán. Ông còn dựa theo chế độ nhà Tùy, phát triển hoàn thiện các cơ cấu tam tỉnh và lục bộ cùng với chế độ thi cử tuyển nhân tài. Thái Tông còn giảm bớt quyền hạn của hoàng tộc, đả phá sự thống trị thế tập rối ren của nhà Tùy. Ông trọng dụng người giỏi, bất kể giai cấp xuất thân, sử dụng hàng loạt những bậc đại thần có năng lực, sáng suốt và sẵn sàng biết can gián hoàng đế, tiêu biểu như Phòng Huyền Linh, Đỗ Như Hối (杜如晦), Trưởng Tôn Vô Kị, Ngụy Trưng, Mã Chu (馬周), Cao Sĩ Liêm (高士廉) và Tiêu Vũ (蕭瑀) là những bậc văn thần giỏi; còn như Uất Trì Kính Đức, Lý Tĩnh, Hầu Quân Tập (侯君集), Trình Tri Tiết, Lý Thế TíchTần Thúc Bảo là những võ tướng xuất chúng. Ngoài ra, Thái Tông còn lệnh cho các quan viên khắp nơi đều phải lắng nghe dân tình, cho trăm họ được quyền phát biểu kiến nghị, và phái một số người điều tra về sinh hoạt của các quan để theo dõi biết ai ngay ai gian mà xử lý.[8]:256

Suốt 23 năm thời Trinh Quán, xã hội trật tự, kinh tế ổn định, khôi phục thịnh thế, văn vật phát triển, sử gọi đó là "Trinh Quán chi trị" (Sự thịnh trị thời Trinh Quán). Tư trị thông giám của Tư Mã Quang đời nhà Tống có ghi lại, năm 630 thời Trinh Quán, giá 1 đấu gạo không quá 3, 4 tiền, cả năm tử hình không đến 29 người. Khi Thái Tông mất, thái tử Lý Trị lên ngôi, ban hành đại xá, thì thượng thư bộ Hình tâu rằng trong toàn quốc chỉ có 50 người bị tù và hai người bị xử tử.

Sử gia Trung Hoa khen đời Thái tông thịnh trị như đời vua Nghiêu, vua Thuấn. Ngay cả sự tổng kết chính trị trong Trinh Quán chính yếu sau này cũng được các đế vương Nhật BảnTân La mô phỏng theo.[15]:45

Nhật Nguyệt lăng không

Võ Tắc Thiên, Nữ hoàng đế duy nhất trong Lịch sử Trung Quốc

Cuối đời Đường Thái Tông, con trưởng của hoàng đế là thái tử Lý Thừa Càn và Ngụy vương Lý Thái (李泰) đánh nhau. Thái Tông trị tội cả hai người, phế ngôi Thái tử của Lý Thừa Càn, lập Tấn vương Lý Trị lên ngôi. Sau khi Đường Thái Tông băng hà, Lý Trị kế vị, đó chính là Đường Cao Tông. Trước đây, Cao Tông đã thầm yêu một vị ni cô vốn là Tài nhân của Đường Thái Tông, đó là nàng Võ Chiếu, còn được gọi là Võ Mị Nương. Theo tục lệ lúc đó, Hoàng đế băng hà thì phi tần chưa có con đều phải xuất gia làm ni cô, Võ Mị Nương buộc phải vào chùa Cảm Nghiệp để theo đạo tu hành. Sau này, Đường Cao Tông bất chấp dư luận đưa nàng vào cung, lập làm Chiêu nghi. Võ chiêu nghi nhanh chóng đắc sủng, hãm hại Vương hoàng hậuTiêu thục phi của Cao Tông, lên thay ngôi Hoàng hậu và xử tử 2 vị hậu phi kia rất tàn nhẫn[19]:51.

Năm 656, tức năm Hiển Khánh thứ nhất, Cao Tông nhân vì sự kiện Kiện Khang, bèn giao việc quốc chính cho Võ hoàng hậu xử lý.[17]:433 Võ hoàng hậu từ đó trở thành người thực tế nắm quyền lực tối cao của nhà Đường, cùng Cao Tông xưng hiệu Thiên Hoàng (天皇) và Thiên Hậu (天后), gọi chung là Nhị Thánh (二圣)[20]:133. Võ hoàng hậu nhiếp chính cho Cao Tông, đến năm 659, tiêu diệt Tây Đột Quyết, nhà Đường càng lên đỉnh cực thịnh. Sau đó, nhà Đường liên minh với nước Tân La tiêu diệt Cao Câu LyBách Tế, đánh bại viện quân của Nhật Bản. Lúc Tân La lo chiếm toàn bán đảo Triều Tiên, nhà Đường chiếm lấy phía bắc, lập ra An Đông đô hộ phủ, chiếm lại vùng đất của nhà Hán mà năm xưa Cao Câu Ly đã giành lấy.

Sau khi Đường Cao Tông băng hà, thái tử Lý Hiển kế vị, đó là Đường Trung Tông. Nhưng vì tân hoàng đế không hợp ý mình nên chỉ 1 tháng sau, Võ thái hậu đã phế truất ông làm Lư Lăng vương). Sau đó, bà lập Lý Đán lên ngôi, chính là Đường Duệ Tông. Sau khi bình định cuộc phản loạn của 1 tông thất là Lý Kính Nghiệp (李敬業), năm Thiên Thụ thứ nhất (690), Võ thái hậu phế truất Duệ Tông, tự xưng làm Hoàng đế, lấy quốc hiệu là Chu (周), sử sách gọi Triều đại của bà là Võ Chu Triều đại. Võ hậu cũng tự xưng mình thành Thánh Thần hoàng đế (圣神皇帝).

Trước và sau Võ Tắc Thiên đã có những phụ nữ khác nắm quyền khuynh loát triều chính như Lữ hậu, Từ Hi thái hậu... nhưng chỉ có bà là dám công khai xưng hoàng đế và lên ngôi. Bà định đô ở tại Lạc Dương (gọi là Thần Đô), lập Lý Đán làm hoàng tự, bà chính là nữ hoàng đế đầu tiên và duy nhất trong lịch sử, chính là Võ Tắc Thiên.[19]:55

Những năm Võ Tắc Thiên còn giám quốc, phát triển sự nghiệp thời Trinh Quán, gọi là Trinh Quán di phong (貞觀遺風). Kế tục chế độ quân điền, phát triển nông nghiệp, tiếp tục khoa cử tuyển nhân tài, ngoài ra còn có thi võ tuyển tướng sĩ. Về đối ngoại, chiến tranh mở rộng và giữ vững cương vực; các lĩnh vực văn hóa, nghệ thuật cũng rất tiến bộ.[8]:258[19]:56 Thời kỳ trị vì của Võ Tắc Thiên từ lâu đã bị gán cho là độc đoán, hung bạo và tàn ác. Tuy nhiên, ngày nay các nhà sử học hiện đại ngày càng tìm thấy nhiều hơn các sản phẩm văn tự cổ mô tả bà là một nhà lãnh đạo thông thái. Võ Tắc Thiên đối với Phật giáo rất sùng bái, khiến Phật giáo thời đó phát triển cực thịnh.[19]:57

Khai Nguyên thịnh thế

Bài chi tiết: Đường Huyền Tông
Đường Huyền Tông người đã tạo nên Khai Nguyên thịnh thế, nhưng cũng là người đặt nền móng cho sự suy sụp của nhà Đường。

Vào năm 705, tức năm Thần Long thứ nhất, tả vũ lâm tướng quân Kính Huy (敬暉), phượng các thị lang Trương Giản Chi, hữu vũ lâm tướng quân Hoàn Ngạn Phạm (桓彥範), loan đài thị lang Thôi Huyền Vĩ (崔玄暐) cùng tư hình thiếu khanh Viên Thứ Kỷ (袁恕己) cùng mọi người phát động chính biến, giết chết 2 anh em họ Trương - sủng nam của Võ Tắc Thiên, buộc nữ hoàng đế phải thoái vị. Sau đó, họ khôi phục ngôi vị hoàng đế của Trung Tông Lý Hiển, lập lại quốc hiệu Đại Đường. Sử Trung Hoa gọi đó là Thần Long cách mạng (神龍革命) hay Ngũ vương chính biến (五王政變),[17]:436 Lý Đán được tấn phong làm An Quốc Tương vương, Thái Bình công chúa được phong làm Trấn Quốc Thái Bình công chúa. Trung Tông lập Hoàng hậu là Vi hoàng hậu. Vi hoàng hậu là người đàn bà cứng rắn và mưu mô, trong cung bà tư thông với Võ Tam Tư, cháu của Võ Tắc Thiên, rồi tự tìm vây cánh cho mình. Vi hậu mưu đồ bất chính, muốn noi theo Võ Tắc Thiên ngày xưa, cùng con gái cưng An Lạc công chúa (安樂公主) và Thượng Quan Uyển Nhi kết thành bè đảng, sát hại thái tử Lý Trọng Tuấn.[8]:259 Năm 710, tức năm Cảnh Long thứ 4, Vi hoàng hậu cùng An Lạc công chúa mưu giết chết Đường Trung Tông, lập Ôn vương Lý Trọng Mậu (李重茂) làm hoàng đế, tức Đường Thương Đế, lại muốn hại đến Tương vương Lý Đán. Lúc đó, con trai của Lý Đán là Lý Long Cơ hiệp lực với Thái Bình công chúa gây ra Sự biến Đường Long (唐隆之變, Đường Long chi biến), tru diệt Vi hậu, An Lạc công chúa cùng với toàn bộ thế lực tàn dư dòng họ Võ, lập Lý Đán phục vị hoàng đế, tức là Đường Duệ Tông. Đường Trung Tông được an táng theo nghi lễ hoàng đế, thụy hiệuĐại Hòa Đại Thánh Đại Chiêu Hiếu hoàng đế.[19]:59

Sau khi Duệ Tông lên ngôi, Lý Long Cơ và Thái Bình công chúa phát sinh cảnh cô cháu tranh nhau, Duệ Tông trái phải đều khốn. Năm 712, tức năm Diên Hòa thứ nhất, Duệ Tông đành nhường lại ngôi vị cho Thái tử Lý Long Cơ, tức là Đường Huyền Tông. Năm 713, Đường Huyền Tông khép Thái Bình công chúa vào tội có ý muốn tạo phản, ép phải tự sát, bè đảng của bà cũng bị giết hoặc biếm truất đi, từ đó kết thúc cục diện bè đảng Võ Tắc Thiên hoặc những chuyện nữ nhi tham chính sự.[8]:260 Cũng năm đó, Huyền Tông cải niên hiệu là Khai Nguyên. Thời kỳ niên hiệu được gọi là Khai Nguyên thịnh thế,[21]:61 nền chính trị khá trong sáng, nhà vua trọng dụng 2 vị lương thần là Diêu SùngTống Cảnh (宋璟) làm tể tướng, nhờ đó kinh tế dần phát triển, nông nghiệp đã phát minh ra máy cày tay (曲轅犁, Khúc viên lê) và đồng xa (筒車). Nông nghiệp được chú trọng và đề cao, quốc lực ngày càng tăng, nhà Đường bước vào thời toàn thịnh. Kinh đô Trường An trở thành chốn đô hội với số nhân khẩu đông, trở thành thành thị cổ phát triển nhất. Đường Huyền Tông lại thu dụng tể tướng Trương Cửu Linh (張九齡), nghe theo kiến nghị của ông cải cách chỉnh đốn lại chế độ quan lại, sử dụng hiền tài, đề nghị các địa phương bồi dưỡng nho sinh sĩ phu ưu tú.

Loạn An-Sử

Dương Quý Phi, tranh lụa của Takaku Aigai tại bảo tàng mỹ thuật SEIKADO BUNKO

An Lộc Sơn tên thật là Loát Lạc Sơn, người dân tộc Túc Đặc (một tộc người Tajik). An Lộc Sơn xuất thân từ một gia đình thương nhân có nguồn gốc từ Bukhara (Sogdiana) đến sinh sống và làm ăn ở vùng đất mà nay là Ürümqi, thủ phủ khu tự trị Duy Ngô Nhĩ Tân Cương, miền tây bắc Trung Quốc.

An Lộc Sơn bị kết án tử hình vì tội ăn cắp, bỏ trốn và gia nhập quân đội nhà Đường. Nhờ có thành tích xuất sắc trong chiến đấu ở vùng tây bắc, đặc biệt là trong việc chống lại quân Khiết Đan, ông được phong đến chức Tiết độ sứ vào năm 742.

An Lộc Sơn có mâu thuẫn với Dương Quốc Trung (楊國忠), anh của Dương Quý Phi. Sợ bị Dương trấn áp, An Lộc Sơn nghe theo lời của Sử Tư Minh (đồng hương, bạn thân và đồng thời là thuộc hạ) làm loạn, khởi 15 vạn binh từ Ngư Dương, đánh xuống phía nam. Khi tin báo An Lộc Sơn làm phản báo về, Đường Huyền Tông ban đầu không tin vì lòng trung của Lộc Sơn. Mặt khác, chính Lộc Sơn cũng thông gia với Huyền Tông, có một con trai còn ở kinh thành để làm con tin. Mãi sau vua Đường mới biết là sự thật, bèn hạ lệnh giết chết phò mã - con trai Lộc Sơn.

Cuối năm 755, An Lộc Sơn và Sử Tư Minh làm phản. An Lộc Sơn xưng là Thánh Vũ Hoàng đế, đặt quốc hiệu là Yên. Bằng năng lực và kinh nghiệm quân sự cộng với lực lượng trong tay hùng mạnh, quân Yên làm chủ chiến trường phía đông. Nhà Đường vội vã mộ 6 vạn quân để giữ Lạc Dương, nhưng quân mới đều là dân lưu lạc không được huấn luyện nên nhanh chóng bị Lộc Sơn đánh bại. Mùa hè năm 756, An Lộc Sơn đánh vào Lạc Dương. Nhiều thành trì phía đông lọt vào tay Lộc Sơn.

Lộc Sơn mang quân tiến về phía tây, đánh kinh thành Trường An, án binh lại trước cửa Đồng Quan vì gặp đạo quân của Kha Thư Hàn án ngữ.

Trong lúc các tướng Quách Tử Nghi, Lý Quang Bật đang đánh mạnh và giành lại quyền chủ động ở phía đông, An Lộc Sơn cũng bế tắc trước ải Đồng Quan thì Đường Huyền Tông lại mắc sai lầm, bắt Kha Thư Hàn ra quân, trong khi tướng này muốn cố thủ để chờ quân của Tử Nghi và Quang Bật đánh về. Bị thúc ép quá, Thư Hàn đành ra quân và bị Lộc Sơn đánh tan rã. 20 vạn quân Đường bị giết, quân Lộc Sơn ồ ạt tiến vào Trường An.

Đường Huyền Tông cùng thừa tướng Dương Quốc Trung hốt hoảng, bỏ Trường An rút về đất Thục (蜀, nay là Tứ Xuyên). Trong khi quân sĩ đói rét thì gia đình Quốc Trung vẫn ăn trên ngồi chốc. Quân sĩ khởi loạn, giết chết Quốc Trung và ép Huyền Tông phải giết Dương Quý Phi, nếu không sẽ không hộ giá nữa. Đường cùng, Huyền Tông buộc phải nghe theo, mang Qúy phi thắt cổ ở gò Mã Ngôi.

Sau khi chiếm Trường An, An Lộc Sơn nghe tin Dương Quý Phi đã chết, ra lệnh tàn sát dân kinh thành rất nhiều. Bản thân Lộc Sơn cũng chán nản, sau đó không lâu, Lộc Sơn bị bệnh và trở nên ốm yếu rồi bị chính con trai của mình là An Khánh Tự giết hại.

Trước sự bất lực của vua cha, thái tử Lý Hanh lên ngôi tại núi Linh Vũ, tức là Đường Túc Tông, vọng tôn Huyền Tông làm thượng hoàng. Vua con tổ chức quân đội đánh mạnh vào quân Yên của An Lộc Sơn, thu hồi lại nhiều đất đai. Tuy nhiên chiến sự vẫn giằng co chưa phân được thua. Quách Tử Nghi và Lý Quang Bật về hội binh với Túc Tông nên Sử Tư Minh thừa cơ chiếm lại 13 quận Hà Bắc. Thế quân Yên lại mạnh.

Năm 757, nhà Đường nhờ thế lực của người Hồi Hột bắt đầu phản công và lấy lại được Trường An.

Thủ hạ của Lộc Sơn là Sử Tư Minh không theo An Khánh Tự, nên ly khai và rút về Phạm Dương (gần Bắc Kinh ngày nay). Quân phản loạn trở nên phân rã, suy yếu. Sử Tư Minh đầu hàng triều đình nhưng phát hiện ra âm mưu định ám sát mình của nhà Đường, nên lại tiếp tục làm phản. Năm 758, Tư Minh mang quân giải vây cho Khánh Tự đang bị triều đình vây khốn. Quân Đường bị đánh bại bỏ chạy. Tuy nhiên sau đó Tư Minh vào thành giết chết An Khánh Tự, tự xưng làm Yên Đế.

Năm 761, Sử Tư Minh bị con trai cả là Sử Triều Nghĩa sát hại vì có ý định lập con nhỏ làm thái tử. Sau khi Sử Tư Minh chết, quân phản loạn mất tư lệnh tài năng, Sử Triều Nghĩa mau chóng bị triều đình dẹp tan (763).

Cuộc phản loạn này làm nhà Đường suy yếu nghiêm trọng cả về chính trị, quân sự và kinh tế. Lịch sử nhà Đường ghi lại thì trước loạn An Sử, dân số là 53 triệu, sau loạn chỉ còn 17 triệu.

Loạn An Sử chấm dứt nhưng một bộ phận tướng sĩ của Lộc Sơn quy hàng triều đình vẫn làm tiết độ sứ ở Hà Bắc. Để thưởng công cho các tướng sĩ (mà không ít người là người dân tộc thiểu số), nhà Đường phải phong đất đai và chức tước cho họ, tạo thành vô số chính quyền quân sự nhỏ làm lung lay quyền lực của triều đình trung ương.

Nhiều quận, huyện ở Hà Nam, Sơn Tây, Sơn Đông bị các tướng truyền nối cho con cháu nhiều đời không lệ thuộc triều đình. Cục diện phiên trấn cát cứ của các tiết độ sứ bắt đầu hình thành và kéo dài hơn 100 năm, cho tới khi nhà Đường sụp đổ vào năm 907.

Họa phiên trấn và hoạn quan

Sau loạn An Sử, nhà Đường bắt đầu suy yếu. Phiên trấn cát cứ, hoạn quan chuyên quyền, chia bè đảng khuynh đảo đã khiến chính trị nhà Đường trở nên tồi tệ.[8]:264 Do sau khi bình định xong loạn An Sử, triều đình phong chức tiết độ sứ ở các địa phương nhằm an trí, các địa khu được quản hạt được gọi là phiên trấn. Vào thời Đường Huyền Tông ở biên giới đã có 10 Tiết độ sứ. Trong quá trình dẹp loạn An Sử và chống Thổ Phồn, lại có thêm rất nhiều Tiết độ sứ được phong, cả nước đã có tới 40 Tiết độ sứ.

Vì để đề phòng xâm lược hay nội phản, quyền lực của các tiết độ sứ khá lớn, có quyền thay vua quyết định việc ở tại phiên trấn nhậm và thậm chí là có quân đội riêng, có tính chất thế tập cha truyền con nối. Bọn họ tập trung đại quyền: quân đội, chính trị, của cải vào mình, trở thành "nước trong nước". Từ đó khiến tình trạng đuôi to khó vẫy, ngoài nặng trong nhẹ, khiến hình thành các thế lực cát cứ.[22]:87

Năm 773, Tiết độ sứ Ngụy Bác vì để dụ dỗ các tướng thân cận của An - Sử đến đầu hàng mình nên không thèm để ý đến triều đình, đã công nhiên lập "Tứ thánh từ" cho cha con An - Sử, lại còn yêu cầu Đường Đại Tông phong cho mình chức Tể tướng. Đường Đại Tông tuy trong lòng rất tức giận nhưng chẳng còn cách nào nên vẫn phải phong cho ông ta làm Tể tướng, gả con gái mình là Vĩnh Lạc công chúa cho con trai ông ta.

Đến đời Đường Đại Tông lên ngôi nhờ sự ủng hộ của một viên hoạn quan. Đại Tông sau khi làm hoàng đế, mong muốn cải cách lại triều chính, tuy nhiên, tiềm lực đất nước đã bị phá hoại nặng, biên phòng lỏng lẻo, nạn ngoại xâm diễn ra nghiêm trọng, mà các khu vực phía đông nam dân chúng sinh biến loạn. Năm 763, Thổ Phồn đem 20 vạn quân đánh vào Quan Trung, trong 3 tháng đã đánh đuổi được Đường Đại Tông, chiếm cứ Trường An, cướp sạch của cải. Ở Hà Bắc lại có người Hồi Hột nổi dậy đánh phá. Do ở Hà Bắc các phiên trấn dần dần làm phản, các nơi khác cũng noi theo, cục diện cát cứ chính thức hình thành.

Đến năm 779, tức năm Đại Lịch thứ 14, Đại Tông hoàng đế băng hà, thụy hiệuDuệ Văn Hiếu Vũ hoàng đế[22]:88

Đường Đức Tông Lý Quát

Sau đó, hoàng thái tử Lý Quát kế vị, tức Đường Đức Tông. Đức Tông sau khi kế vị, liền đặt mối họa phiên trấn lên hàng đầu cần phải lo diệt. Tháng giêng năm 781, tức năm Kiến Trung thứ 2, Đức Tông đem quân đánh Tiết độ sứ ở Sơn Nam. Năm 783, Hoài Tây Tiết độ sứ Lý Hi Liệt cùng với một loạt các Tiết độ sứ khác liên kết với nhau cắt đứt đường lương thực của nhà Đường từ Đông Nam, dẫn quân tấn công Tương Thành (Tương Thành, Hà Nam), uy hiếp Lạc Dương. Đến tháng 10, tình hình Tương Thành rất nguy ngập, Đức Tông phải lệnh cho các đạo quân ở Kinh (phía bắc Kinh Châu, Cam Túc ngày nay) và Nguyên (Cổ Nguyên, Cam Túc ngày nay) cứu viện cho Tương Thành. Kinh Nguyên Tiết độ sứ Đào Lệnh Ngôn dẫn hơn 5000 quân đi qua kinh thành, trời mưa rét mà không được khao thưởng nên lòng quân tức giận, thế là quân sĩ bất ngờ làm phản, tấn công kinh thành, xông vào hoàng cung. Đường Đức Tông phải dẫn theo hậu phi và hoạn quan vội vàng bỏ chạy về phía Ưng Thiên (huyện Càn, Thiểm Tây).

Phiến quân Kinh Nguyên lập tức tôn Chu Thử làm chủ. Chu Thử từng làm Kinh Nguyên Tiết độ sứ, vì vào triều dâng tấu mà bị Đường Đức Tông giam giữ ở Trường An. Chu Tỉ tự xưng là "Đại Tấn hoàng đế" cải nguyên "Ứng Thiên". Chu Tỉ lệnh binh mã sứ Hàn Mân dẫn hơn 3000 kỵ binh tinh nhuệ, tấn công Ưng Thiên để truy sát Đường Đức Tông. May mà Đoàn Tú Thực đã dùng kế đánh tráo con dấu mà lừa được phản quân. Đường Đức Tông đã bảo toàn được tính mạng.

Chiến tranh với phiên trấn xảy ra suốt 5 năm, sau này cũng giết được những kẻ cầm đầu loạn lạc như Chu ThửLý Hi Liệt. Nhà Đường sau đó tuy không chấp nhận cho các tiết độ sứ xưng vương, nhưng cũng phải thừa nhận họ được quyền thống trị tại địa phương.[17]:454 Sự phân hóa cát cứ ngày càng rõ rệt hơn trong thời cai trị của Đức Tông. Ngay cả họa hoạn quan bắt đầu khống chế cấm quân, đảm nhận giám quân, cục diện hoạn quan lộng quyền cũng tuyên bố hình thành từ đây. Mọi chuyện dựng vua này giết vua khác trong triều Đường sau này cũng do đám hoạn quan này đứng đầu.[8]:267

Đức Tông đã từng trọng dụng những viên quan như Dương Viêm (楊炎) làm tể tướng sử sụng Lưỡng thuế pháp, dùng Lưu Yến (劉晏) cải cách vận chuyển đường thủy, cải biến thuế muối, thi hành Thường bình pháp, cải thiện quốc gia. Nhưng đồng thời, hoàng đế cũng trọng dụng tên hoạn quan cũng là gian thần Lô Kỉ (卢杞), để cho chúng tâu xằng làm bậy, và sau này chúng giết hại 2 vị quan tài giỏi là Dương Viêm và Lưu Yến. Đến cuối đời, Đức Tông nghi kị đại thần, chỉ tin dùng bọn hoạn quan, thậm chí dùng chúng để dò xét các quan. Vì thế tuy là có ý định tốt nhưng kết quả là càng làm cho tình trạng cát cứ ngày càng nghiêm trọng.

Đến năm 805, tức năm Trinh Nguyên thứ 21, Đức Tông băng hà, thụy hiệu là Thần Vũ Hiếu Văn hoàng đế. Lúc này, hoàn cảnh nhà Đường đã như mặt trời gần lặn xuống.

Sự trung hưng thời Vĩnh Trinh và Nguyên Hòa

Đường Hiến Tông, người có công thảo phạt phiên trấn, trung hưng nhà Đường

Sau khi Đức Tông băng hà, hoàng thái tử Lý Tụng, lúc đó đã làm Thái tử được 26 năm, lên ngôi, tức Đường Thuận Tông, cải niên hiệu là Vĩnh Trinh. Sau khi Thuận Tông lên ngôi, bèn sử dụng Vương Thúc Văn (王叔文) cải cách quan lại, thay đổi những điều bất hợp lý về chế độ quan lại xử trị ở địa phương từ thời Đức Tông để lại. Vương Thúc Văn bãi bỏ Cung thị và Ngũ phường tiểu nhi - cơ cấu mà trước đây bọn gian thần dùng để đè nén áp bức nhân dân. Lại cho giảm thuế má, binh dịch, bãi miễn tên tham quan Kinh triệu doãn Lý Thật (李實), ức chế các thế lực cát cứ ở địa phương. Tuy nhiên, chính những cải cách này đã động chạm đến những lợi ích của bè phái thủ cựu quan liêu, cho nên chúng tìm cách gây trở ngại. Chính ngày 20 tháng 6 năm 805, mẹ của Vương Thúc Văn qua đời buộc ông phải bỏ chức vụ về chịu tang, sau đó ông bị giáng chức làm Tư hộ tham quân ở Du Châu (渝州). Sau đó những người quan viên thuộc phái cải cách gồm: Vương Thúc Văn, Vương Phi (王伾), Hàn Diệp (韓曄), Hàn Thái (韓泰), Trần Gián (陳諫谏), Lăng Chuẩn (凌准), Trình Dị (程異), Vi Chấp Nghị (韋執誼), Lưu Vũ Tích, Liễu Tông Nguyên - gọi là Nhị Vương bát Tư Mã (hai người họ Vương và tám vị quan Tư Mã), cả thảy đều bị giáng chức làm quan ở địa phương. Cuộc Vĩnh Trinh cách tân (永貞革新) với mong muốn cải cách mau chóng nhưng cuối cùng lại là chóng tiêu tan.

Đầu tháng 1 năm 806, Thuận Tông dưới sự áp lực của hoạn quan và gian thần, đành phải nhường ngôi tại Hưng Khánh cung, đến ngày 19 tháng 1 năm đó, Hoàng đế bị hãm hại ở cung này, thọ 46 tuổi. Thụy hiệu là Chí Đức Hoằng Đạo Đại Thánh Đại An Hiếu hoàng đế.[22]:90

Sau khi Thuận Tông nhường ngôi, Thái tử Lý Thuần kế vị, đó là Đường Hiến Tông, lấy niên hiệu là Nguyên Hòa. Hiến Tông là vị hoàng đế có công phục hưng sự thịnh trị của nhà Đường, mặc dù sự thịnh thế đó tồn tại không được lâu và cũng không rực rỡ bằng thời Đường Thái TôngĐường Huyền Tông, nhưng sử sách gọi đó là Nguyên Hòa trung hưng (元和中興). Hiến Tông chăm lo siêng năng việc cai trị, lo duyệt tấu chương, muốn hưng thịnh lại nhà Đường đang bị rạn nứt dần. Hiến Tông thường ưa nghe lời can gián, rộng rãi bao dung, tích cực cho thu góp tiền đồng trong hoàng tộc, thi hành tiết kiệm. Nhờ đó mà tài lực quốc gia đi lên, có thể tiến hành chiến tranh chống lại các phiên trấn bất quy thuận.

Năm 806, Kiếm Nam-Tây Xuyên Tiết độ sứ Lưu Tịch (劉闢) làm loạn, phát binh tấn công chiếm địa bàn Đông Xuyên, bị Hiến Tông dẹp trừ, khiến cho các phiên trấn chấn động, bèn dâng biểu về xin quy thuận triều đình. Sau khi bình định được Tây Xuyên, quân Đường nhanh chóng tấn công tiêu diệt trấn Hạ Tuy (thuộc huyện Tịnh Biên, Thiểm Tây ngày nay), bắt được Trấn Hải Tiết độ sứ Lý Kỳ vốn không nghe lệnh triều đình. Vì thế mà uy tín của nhà Đường ngày càng được tăng lên.

Tháng 10 năm 814, tức năm Nguyên Hòa thứ 9, Hiến Tông bắt đầu đi thảo phạt phiên trấn ở miền Hoài Tây của Ngô Nguyên Tế. Đến năm 817, tức năm Nguyên Hòa thứ 12, thế lực của Ngô Nguyên Tế bị tiêu diệt. Tháng giêng năm 818, các phiên trấn ở địa phương phái sứ tiết đến Trường An xin hiến đất và nộp cống quy thuận.

Đường Hiến Tông cũng là vị hoàng đế hết lòng sùng bái Phật giáo. Ông đã từng đi đến chùa Pháp Môn để rước Phật cốt. Việc này bị Hình bộ thị lang Hàn Dũ phản đối. Hoàng đế tức giận nên đã giáng chức Hàn Dũ đi làm thứ sử ở Triều Châu.

Ngày 27 tháng 1 năm 820, tức năm Nguyên Hòa thứ 15, Hiến Tông bị bọn hoạn quan Trần Hoằng Chí (陳弘志) giết tại Trung Hòa điệnĐại Minh cung, thụy hiệuChiêu Văn Chương Vũ Đại Thánh Chí Thần Hiếu hoàng đế. Thời kỳ trung hưng thời Hiến Tông chấm dứt, các phiên trấn cát cứ lại nổi lên tranh giành.[22]:91

Sự biến Cam Lộ và Đảng tranh

Sau khi Đường Hiến Tông băng hà, hoàng đệ của ông là Lý Hằng kế vị, tức Đường Mục Tông. Mục Tông ham chơi vô độ, cục diện phiên trấn cát cứ lại tiếp diễn, quyền thế của hoạn quan càng bành trướng, chia bè đảng và tranh quyền lẫn nhau, triều chính bắt đầu xuống dốc. Mục Tông băng hà sau 3 năm trị vì, thụy hiệu là Duệ Thánh Văn Huệ Hiếu hoàng đế. Tiếp sau đó, 3 người con trai của Mục Tông lần lượt nối ngôi là: Đường Kính Tông Lý Trạm, Đường Văn Tông Lý Ngang, và Đường Vũ Tông Lý Viêm. Ba ông này đều là anh em cùng cha khác mẹ, lần lượt được thế lực hoạn quan ủng hộ lên ngôi, nhưng sau cũng bị giết, mà lúc sống cũng chẳng được nắm quyền là bao, từ đó phản ánh một nền chính trị Đại Đường đã bị bại hoại.[23]:103

Ngay sau khi Mục Tông giá băng, Đường Kính Tông Lý Trạm lên ngôi. Vốn là vị Hoàng đế chẳng lo việc nước dân, Kính Tông suốt ngày yến tiệc ham vui, vì ham chơi vô độ mà gây ra họa khiến phải băng hà vào năm 826, tức năm Bảo Lịch thứ 2, sau khi yến tiệc quá chén, Kính Tông bị nhóm hoạn quan Lưu Khắc Minh (劉克明) hại chết, thọ 18 tuổi, thụy hiệu là Duệ Vũ Chiêu Mẫn Hiếu hoàng đế.

Sau đó, Đường Văn Tông Lý Ngang kế nhiệm, vốn là vị quân chủ cũng chăm việc chính sự, sinh hoạt tiết kiệm, đả kích bọn hoạn quan, động chạm đến lợi ích của bè đảng hoạn quan gian nghịch, cho nên mới dẫn đến Cam Lộ chi biến định tru diệt bọn hoạn quan bị thất bại. Sau đó, bọn hoạn quan đoàn kết nhất trí, hoàng đế phải sai đại thần mượn binh lực của phiên trấn để kháng cự với hoạn quan, chính sự xung đột của phiên trấn và hoạn quan càng khiến nhà Đường mau suy tàn. Ngày 4 tháng 1 năm 840, tức năm Khai Thành thứ 5, Văn Tông bị giết ở Thái Hòa điện thuộc Đại Minh cung, thọ 33 tuổi, thụy là Nguyên Thánh Chiêu Hiến Hiếu hoàng đế.[23]:106

Đường Vũ Tông Lý Viêm, người có công lập nên sự trung hưng ngắn thời Đường mạt, nhưng cũng nổi tiếng với sự đàn áp Phật giáo được gọi là Vũ Tông diệt Phật

Ngay lập tức, Đường Vũ Tông Lý Viêm kế vị, niên hiệu là Hội Xương. Vũ Tông lên ngôi là do tên trùm hoạn quan Cừu Sĩ Lương (仇士良) ủng hộ, trong triều các bè phái mọc lên như nấm, Cừu Sĩ Lương cũng tạm nhường cho Vũ Tông tự xử lý triều chính. Vũ Tông trọng dụng đại thần Lý Đức Dụ (李德裕), chủ trương diệt bọn hoạn quan, khôi phục chính trị triều Đường, sử gọi đó là Hội Xương trung hưng (會昌中興). Nhưng đồng thời cũng xảy ra chuyện Vũ Tông diệt Phật, đàn áp Phật giáo trên quy mô toàn quốc và cực kì khắc nghiệt. Sự đàn áp Phật giáo lần này là lần thứ 3 trong Tam Vũ nhất Tông diệt Phật (三武一宗滅佛). Vũ Tông lại sùng bái Đạo giáo, cho luyện tiên đơn để uống mong trường sinh bất lão, nào ngờ lại ngộ độc đan dược mà băng hà, thọ 36 tuổi, thụy hiệu là Chí Đạo Chiêu Túc Hiếu hoàng đế.

Chỉ trong vòng 4 triều Mục Tông, Kính Tông, Văn Tông và Vũ Tông, bọn gian thần tranh giành, sử gọi là Ngưu Lý đảng tranh, cực kì khốc liệt, làm hao tổn nghiêm trọng đến quốc lực nhà Đường. Ngưu Lý đảng tranh bắt đầu từ năm Nguyên Hòa thứ 3 (808), từ việc mở khoa thi sĩ tử, những cử nhân như Ngưu Tăng Nhụ (牛僧孺), Lý Tông Mẫn (李宗閔), Hoàng Phủ Thực (皇甫湜) trình biểu phê bình việc triều chính và mong cải cách. Quan khảo thấy những người này tài năng rất hợp bèn cấp báo lên cho vua Hiến Tông. Lúc này quan tể tướng là Lý Cát Phủ (李吉甫, cha của Lý Đức Dụ) bất mãn, nhân đó bọn họ đả kích kịch liệt với Lý Cát Phủ, giáng chức ông làm tiết độ sứ ở Hoài Nam.

Trong triều lúc đó đại thần phân ra 2 phái.[8]:269 Đảng của Lý (Cát Phủ, sau là Đức Dụ) chủ trương đối đầu với phiên trấn để giành lại quyền hành cho triều đình trung ương, còn đảng của Ngưu (Tăng Nhụ) chủ trương hòa bình thỏa hiệp với phiên trấn. Ngưu đảng không hài lòng với chế độ khoa cử hiện thời, Lý đảng thì lại ủng hộ. Lý đảng kiến nghị giản lược hệ thống cơ cấu quốc gia, Ngưu đảng phản đối.[14] Sau khi Mục Tông lên ngôi, cho khảo thi tiến sĩ. Chủ trì việc thi cử đó là Tiền Huy (錢徽) - người của Ngưu đảng, bị người vu cáo là có dính đến tệ hại riêng tư trong kì thi. Đương khi đó Hàn Lâm học sĩ Lý Đức Dụ làm chứng, Tiền Huy bị giáng chức, Lý Tông Mẫn cũng bị liên lụy theo, bị biếm trích ra vùng ngoài, thành thử ra Lý Tông Mẫn và Ngưu Tăng Nhụ đều kết oán với Lý Đức Dụ.

Lý đảng và Ngưu đảng cùng những quan viên xuất thân khoa cử liên kết thành bè đảng, còn Lý Đức Dụ thì kết bè đảng với những quan liêu xuất thân quý tộc, 2 phái tranh ngầm nhau rất dữ dội. Văn Tông lên ngôi, Lý Tông Mẫn nhờ kết thế với bọn hoạn quan mà leo lên làm tể tướng, Ngưu Tăng Nhụ cũng cùng lên chức cao, cực lực đả kích mạnh mẽ phái của Lý đảng, khiến Lý Đức Dụ bị đày đi làm tiết độ sứ ở Tây Xuyên. Đến khi Vũ Tông tức vị, Ngưu đảng thất thế, Lý Đức Dụ lên làm tể tướng, ra sức bài xích Ngưu đảng. Đường Tuyên Tông về sau kế vị, lại bài xích các cựu thần đời Vũ Tông, Lý Đức Dụ bị đày ra Hải Nam. Như vậy, sự đảng tranh diễn ra suốt gần 40 năm đã được Tuyên Tông chấm dứt.[23]:107

Đại Trung tạm trị

Bài chi tiết: Đường Tuyên Tông
Các cuộc khởi nghĩa nông dân cuối kỳ nhà Đường

Năm 846, sau khi Vũ Tông băng hà, Lý Thầm là chú của Vũ Tông, được hoạn quan Mã Nguyên Chí (马元贽) ủng hộ, lên ngôi hoàng đế, tức Đường Tuyên Tông, cải niên hiệu là Đại Trung. Mặc dù Tuyên Tông lên ngôi là để thế lực hoạn quan lợi dụng, nhưng hoàng đế đã sớm cố gắng tìm cách để nắm thực quyền, nhà Đường xuất hiện một thời kỳ phục hưng ngắn ngủi, người đời tôn gọi Tuyên Tông là "Tiểu Thái Tông", ý sánh ông với vua Đường Thái Tông trước đó. Tuyên Tông ra sức tăng cường hoàng quyền, hạn chế thế lực hoạn quan trong chính quyền, ra tay dẹp Ngưu Lý đảng tranh, trong thời đại nhà Đường đang hỗn loạn bỗng xuất hiện một thời trung hưng với cục diện tốt đẹp của Đại Trung chi trị. Tuy nhiên Tuyên Tông cũng là ông vua rất đa nghi, bọn quan lại thì vờ tỏ vẻ cho thiên hạ thái bình. Vua cũng sùng bái Đạo giáo, mong được có tiên dược để trường sinh bất lão. Năm 859, tức năm Đại Trung thứ 13, Tuyên Tông vì dùng thuốc đan quá độ, bị lâm bệnh nặng mà băng hà, an táng ở Trinh lăng. Thực tế sự thịnh trị của Đại Trung cũng không ổn định, sau khi Tuyên Tông băng hà, cục diện loạn lạc giặc cướp lại nổi lên ào ạt.

Nhà Đường tàn vong

Sau thời Tuyên Tông, kế đến là Đường Ý Tông Lý Thôi và Đường Hi Tông Lý Huyên đều là những ông vua không có năng lực, thế nhà Đường ngày càng xuống dốc. Ý Tông là ông vua kiêu mạn xa xỉ lại dâm dật, tin dùng hoạn quan. Khi Ý Tông kế vị năm 859, sự giàu nghèo trong xã hội ngày càng có khoảng cách lớn, mâu thuẫn giai cấp càng tăng, khắp nơi dân chúng nổi dậy, tiêu biểu là cuộc khởi nghĩa của Cừu Phủ (裘甫) nổi dậy ở Chiết Đông (浙东), số dân tham gia vào bộ chúng lên tới nghìn người. Ở mặt nam có nước Nam Chiếu nổi dậy chiến tranh với nhà Đường, đem quân đánh chiếm Giao Chỉ (nay là miền bắc Việt Nam).

Trong khi đó, quân phòng bị Nam Chiếu ở tại Quế Lâm cũng nổi dậy làm phản do cấp trên trì hoãn không cho họ về quê, cướp lương và đưa thủ lĩnh Bàng Huân lên đứng đầu cuộc nổi loạn. Bàng Huân dẫn nghĩa quân bắc tiến đánh đến Từ Châu, bắt lấy viên Quan sát sứ ở Từ Châu và Tứ ChâuThôi Ngạn Tằng (崔彦曾), rất nhiều nông dân nổi dậy hưởng ứng, nhất thời thanh thế chấn động, chiếm cứ Hoài Khẩu, uy hiếp thành Trường An. Nhưng Bàng Huân lại muốn được triều đình chiêu an, ý muốn được phong làm Tiết độ sứ, thường cứ bỏ lỡ cơ hội tốt, đến năm 869 bị đại tướng nhà Đường là Khang Thừa Huấn (康承训) đánh giết. Từ những năm đầu dân chúng khởi nghĩa, Ý Tông vẫn cứ không lo, chìm đắm trong thanh sắc vui thú, chỉ thích ai có công làm cho nhà vua vui vẻ, tin bọn gian nịnh, triều chính bại hoại đen tối.[8]:270

Ngày 19 tháng 7 năm 873, tức năm Hàm Thông thứ 14, Ý Tông băng hà, Hi Tông lên kế vị. Hi Tông suốt ngày chỉ thích đá gà với đánh cầu, ít khi lo việc quốc sự. Năm 874, Hi tôn thấy nổi loạn ở khắp nơi, cũng thức tỉnh mà xuống chiếu tự kể tội mình: tội gây binh đao, bắt lính khắp nơi, đánh thuế xe, thuế ngựa, bắt dân làm xâu, phải bỏ hoang ruộng đất... Nhưng đã trễ, loạn lạc đã nổi lên khắp nơi.

Bấy giờ giá muối ngày càng tăng, phiên trấn thì binh lửa chẳng dứt, bách tính liền nhiều năm bị bọn cường hào địa chủ kiêm tịnh mất ruộng đất, đói kém nghiêm trọng, mà phú thuế đánh ngày càng nặng. Năm 860, loạn ở Chiết Giang, đông tới 3 vạn vì nạn đói. Triều đình phái ba lộ quân, toàn là lính Hồi Hột, Thổ Phồn (không dùng lính Hán) đi tiễu trừ, bao vây thành; nông dân trong thành, già trẻ trai gái đều chống cự kịch liệt; giữ thành được 3 tháng, tới khi hết lương thực mới chịu thua. Năm 862 lại xảy ra loạn ở Từ Châu; năm 868, một vụ nữa ở Quế Châu, triều đình phải cầu cứu với tộc Sa Đà; nghĩa quân mắng triều đình là "quốc tặc", đem rợ vào giết dân.

Ghê gớm nhất cuộc đại loạn Hoàng Sào.[24]:112 Năm 875, Vương Tiên Chi, Thượng NhượngHoàng Sào trước sau nổi dậy ở đất Dự (nay thuộc tỉnh Hà Nam) và đất Lỗ (nay thuộc tỉnh Sơn Đông), hai quân đội khởi nghĩa dồn hợp lại đánh phá các thành trì ở Trung Nguyên. Quân của Hoàng Sào lại tiến xuống phía nam, đốt phá thành trì và cướp đoạt cả vùng đất Quảng Châu, lại xông vào hàng quán giết rất nhiều thương nhân vô tội người Tây Vực (tài liệu của Ả Rập ghi có tới 12 vạn ngoại nhân chết trong vụ đó).

Do không thích hợp với khí hậu ở Lĩnh Nam, Hoàng Sào lại bắc tiến đánh lên phía bắc rất thuận lợi. Vượt qua Trường Giang, Hoài Hà, năm 880 tháng 11, tức năm Quảng Minh thứ nhất, Hoàng Sào đánh chiếm thành Trường An, Hi Tông bỏ chạy đến Tứ Xuyên. Năm đó Hoàng Sào vào Hàm Nguyên điện, tự xưng làm hoàng đế, đặt quốc hiệu là Đại Tề, lấy niên hiệu Kim Thống. Sau đó, quân Đường có đem quân đánh thành Trường An, nhưng lòng dân không phục, bị Hoàng Sào đánh đuổi. Năm 883, Chu Ôn (hay Chu Toàn Trung) cùng với một người tộc Sa ĐàLý Khắc Dụng dẫn quân Đường tái đánh thành Trường An. Sang năm, Hoàng Sào bị thủ hạ sát hại.

Loạn Hoàng Sào chiếm hơn nửa giang sơn của nhà Đường, giết hại số người ước đến 830 vạn người, dẫn đến quốc lực của nhà Đường càng suy thoái. Sau đó lại đến những cuộc đấu tranh của cái họa hoạn quan và phiên trấn, Hi Tông lại bị hoạn quan kìm giữ ở Phượng Tường, mà quân đội phiên trấn vào cướp phá ở thành Trường An. Ngày 6 tháng 3 năm Văn Đức thứ 1 (888), Hi Tông băng hà, người em là Lý Diệp lên ngôi, tức Đường Chiêu Tông. Chiêu Tông ở ngôi, mong muốn khôi phục nước nhà, nhưng thế lực phiên trấn ngày càng lớn mạnh, những cải cách của nhà vua đề xướng mau chóng thất bại tiêu tan.[8]:272

Năm Thiên Phục thứ 3 (903), Chu Toàn Trung áp giải Chiêu Tông hồi kinh, sau đó Chu ra tay diệt hết lũ hoạn quan. Năm Thiên Hựu thứ 1 (904), Chu Toàn Trung lại đề nghị dời đô đến Lạc Dương, phá hủy hết cung điện ở Trường An. Ngày 11 tháng 8 năm đó, Chiêu Tông bị sát hại. Lý Chúc lên ngôi, tức Đường Ai Đế.

Lúc này nhà Đường bề ngoài còn tồn tại mà thực ra đã tiêu vong, Ai Đế cũng chỉ là bù nhìn. Năm 905, Chu Toàn Trung biếm truất các quan triều, toàn bộ bị giết hết ở tại trạm Bạch Mã, ném xác xuống Hoàng Hà, sử gọi là Bạch Mã chi họa. Năm 907, Chu Toàn Trung giết Ai Đế, tự lập lên ngôi, đổi quốc hiệu là Đại Lương, tức nhà Hậu Lương, cải niên hiệu Khai Bình, đóng đô ở Khai Phong. Nhà Đường hoàn toàn bị diệt vong.[24]:115

Năm 923, Lý Tồn Úc diệt nhà Hậu Lương, tái lập quốc hiệu Đường, sử gọi là nhà Hậu Đường. Tuy nhiên Lý Tồn Úc vốn là người Sa Đà, không có liên hệ huyết thống với hoàng tộc nhà Đường, họ Lý chỉ là quốc tính được ban cho trước đó. Quốc hiệu Đường chỉ là tên gọi để vỗ về những người Hán vẫn còn nhớ về nhà Đường. Do vậy nhà Hậu Đường không được coi là sự tiếp nối nhà Đường.